Văn hóa - Xã hội

Độc đáo Lễ cấp sắc của người Dao áo dài ở Quang Bình

20/11/2019 00:00 657 lượt xem

Được ngày lành tháng tốt và tranh thủ thời gian nhàn rỗi sau vụ mùa, gia đình anh Hoàng Đình Nghĩa ở thôn Ngòi Han, xã Tân Trịnh, huyện Quang Bình tổ chức Lễ cấp sắc cho con trai cả 13 tuổi của mình. Người Dao áo dài độ tuổi được cấp sắc từ 11 - 19 là đẹp nhất, khác với người Dao áo đỏ, Dao tiền, mỗi lần cấp sắc của người Dao áo dài chỉ được 1 người và tại nhà người đó. Để tổ chức được ngày lễ trọng đại này, anh Nghĩa và vợ đã chuẩn bị từ đầu năm, lựa chọn thầy cúng, ngày giờ đẹp và nguyên vật liệu, thực phẩm và nhờ họ hàng làng bản giúp đỡ.

Cấp sắc là nghi lễ quan trọng trong cuộc sống của người đàn ông dân tộc Dao. Người Dao quan niệm, đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn coi là trẻ con vì chưa có thầy cấp sắc, chưa được cấp đạo sắc, chưa có tên âm. Người đã qua cấp sắc dù ít tuổi vẫn được coi là người trưởng thành, được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng, được giúp việc cho thầy cúng, được cúng bái. Họ cũng quan niệm rằng có trải qua lễ cấp sắc mới biết lẽ phải trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương, khi chết hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên. Nếu gạt bỏ những yếu tố tôn giáo, tín ngưỡng thì lễ cấp sắc có tính giáo dục rất lớn, thể hiện qua những lời giáo huấn hướng tới việc thiện, không làm điều ác. Các điều giáo huấn được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng kiến của tổ tiên và các quan âm binh nên tính giáo dục càng có giá trị.

Gần đến ngày lễ, gia đình phải cử người mang lễ vật đi mời thầy cúng, người được thụ lễ phải kiêng hò hát, cãi nhau, ngủ chung... Để phục vụ lễ nghi và khoản đãi dân làng đến chứng kiến, các gia đình có người thụ lễ phải chuẩn bị các vật thiết yếu như lợn, thóc gạo, rượu, y phục thầy cúng... Mỗi nhóm Dao có một cấp bậc cấp sắc. Nhà anh Nghĩa tổ chức cấp bậc 3 với 36 binh cho con trai của mình. 5 thầy cúng được mời đến để hành lễ và thực hiện các nghi lễ lớn nhỏ khác nhau. Cũng như bao lễ cấp sắc khác, các thầy cúng trước khi hành lễ đều phải cúng ma ở bàn thờ tổ tiên nhà mình để xin được phù hộ và đi theo giúp đỡ. Tại nơi hành lễ, họ treo tranh Ngọc Hoàng và các vị thần thánh của người Dao, lập bàn thờ tổ tiên người thụ lễ và bàn thờ các thần thánh. Khi hành lễ, các thầy cúng phải thực hiện rất nhiều bài cúng, múa, điệu bộ phép thuật theo sách cấp sắc; người thụ lễ phải thực hiện nhiều động tác nghi lễ theo sự chỉ dẫn của các thầy. Khác với nhóm Dao dỏ và Dao tiền, người Dao áo dài có một nghi thức gọi là hóa kiếp khá đặc biệt. Theo đó, người thụ lễ phải ngồi xổm, bất động, các ngón tay bắt vào ngón chân khoảng một giờ đồng hồ, rồi mới được thầy đẩy nhẹ cho rơi xuống một cái võng có 3 - 4 người đỡ. Làm xong lễ hóa kiếp là lễ giáo huấn, lễ thề và lễ đặt tên cấp sắc. Ở tất cả các nhóm Dao, sau khi thực hiện đầy đủ các nghi thức phức tạp và đã cấp sắc cho người thụ lễ xong, các thầy cúng đều phải cúng tạ ơn tổ tiên, thần thánh đã đến dự thì nghi lễ mới kết thúc.

Điểm đặc biệt là các lời cúng trong lễ cấp sắc có giá trị lịch sử rất lớn. Mỗi lần tổ chức lễ cấp sắc là một dịp cộng đồng nghe lại nguồn gốc xuất xứ của dân tộc mình từ xưa đến nay, tạo nên lòng tự hào dân tộc, ghi nhớ công lao to lớn của tổ tiên, từ đó có cách sống sao cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp đó. Một trong những điểm tạo nên giá trị của nghi lễ này chính là ý nghĩa của các lời răn dạy. Đó là sự hướng tới việc thiện, tuyệt đối không được làm điều ác. Đó là sự tôn trọng người thầy, biết ơn nghĩa sinh thành của cha mẹ, chung thủy với bạn bè, trọng nghĩa, có lòng vị tha, không phản bội, lừa gạt... Những lời giáo huấn này được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng giám của thần linh, trời đất, tổ tiên và trước cả cộng đồng dòng tộc nên có tác dụng rất lớn. Những điều giáo huấn này còn được ghi lại bằng văn bản, một bản được đốt tại lễ cấp sắc, một bản giao cho người được cấp sắc để lưu giữ suốt đời. Trong lễ cấp sắc còn có rất nhiều điệu múa truyền thống của người Dao được tái hiện. Qua lễ cấp sắc của người Dao còn biểu hiện một trình độ thẩm mỹ cao với rất nhiều tranh vẽ, hình cắt giấy trang trí... Là nhân vật chính của Lễ cấp sắc này, cháu Hoàng Anh Văn cảm tháy rất vui bởi từ đây cháu đã chính thức trở thành một người trưởng thành, có tiếng nói và vị trí trong gia đình, dòng họ.

Lễ cấp sắc của người Dao là cả nét văn hóa cổ truyền mang tính giáo dục rất lớn và giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Đây chính là nét văn hóa điển hình trong đời sống tinh thần của đồng bào Dao, góp phần làm phong phú thêm nét văn hóa đa dạng và phong phú của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện Quang Bình nói riêng, tỉnh Hà Giang nói chung.


Tin khác

Liên kết website