Văn hóa - Xã hội

Đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trên địa bàn huyện Quang Bình

10/07/2020 00:00 566 lượt xem

Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trong đó chú trọng việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về văn hóa ở huyện Quang Bình đã đạt được nhiều kết quả.

Tính đến nay toàn huyện có 13/15 nhà văn hóa xã, 130/135 nhà văn hóa thôn và hầu hết các thôn đều có sân vận động phục vụ phong trào TDTT cho người dân.

Hàng năm huyện đều dành nguồn kinh phí nhất định cho việc hỗ trợ các xã, thôn xây mới hoặc sửa chữa nhà văn hóa, thiết chế văn hóa. Thời gian qua, về cơ bản hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đều phát huy tốt công năng sử dụng, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và rèn luyện thể dục thể thao; trong đó, nhà văn hóa thôn thu hút 65% người dân thường xuyên đến sinh hoạt và luyện tập thể thao thường xuyên.
Thực tế tại thị trấn Yên Bình trong những năm qua, kể từ khi các thiết chế văn hóa được đầu tư, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhân dân trên địa bàn phát triển nhanh chóng. Từ chỗ chỉ có một vài câu lạc bộ hoạt động, với số lượng người tham gia hạn chế, đến nay, thị trấn có 8 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao với hàng trăm thành viên tham gia, thường xuyên tổ chức các giải thi đấu thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giải trí của cộng đồng dân cư.

Toàn cảnh trung tâm huyện Quang Bình

Đồng chí Nguyễn Thị Túc, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: Để đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trên địa bàn huyện, việc đầu tiên Phòng quan tâm đó là tham mưu thực hiện tốt công các đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác văn hóa nghệ thuật trên địa bàn toàn huyện, đảm bảo vững về chuyên môn nghiệp vụ. Tạo cơ chế thông thoáng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cho công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, như: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, dân tộc Tày. Thường xuyên chỉ đạo đổi mới nội dung, hình thức tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn và nhiệm vụ chính trị của huyện. Tăng cường công tác  kiểm tra các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trên địa bàn phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Nhờ vậy, các thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện ngày càng phát huy hiệu quả, đưa phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao của địa phương phát triển mạnh mẽ. 

Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn

Tại xã Xuân Giang, một trong những dấu ấn đậm nét trong phong trào chung sức xây dựng NTM ở địa phương này là việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Để các thiết chế cơ sở vật chất văn hóa mang lại hiệu quả, Đảng ủy, HĐND, UBND xã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn; các chính sách nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa thể thao được triển khai đồng thời với công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân, góp phần tích cực trong việc xây dựng, tu bổ và phát triển mạng lưới thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả quan trọng, công tác quản lý nhà nước về văn hóa cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế làm xuất hiện tâm lý sùng ngoại, thực dụng và cá nhân cực đoan, ích kỷ, phai nhạt những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam còn chưa đầy đủ; văn hóa chưa được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam ở một số nơi còn chưa có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực văn hóa còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ. Hệ thống thiết chế văn hóa hiện có tại một số địa phương, từ huyện đến cơ sở thiếu kinh phí hoạt động, hiệu quả hoạt động chưa cao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. do vậy chưa tạo được bước đột phá. 

Lễ hội đua thuyền trên lòng hồ thủy điện Sông Chừng

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, thời gian tới cần triển khai đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp đó là:

Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững. Đổi mới nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về vị trí, vai trò, chức năng của văn hóa trong đổi mới và phát triển bền vững, văn hóa phải ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa, xây dựng con người phải được chú trọng tương xứng, hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải giữ vai trò điều tiết, định hướng sự phát triển chung của huyện trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức theo hướng thiết thực, hiệu quả. Đổi mới tư duy lãnh đạo văn hóa - văn nghệ, phát huy tính sáng tạo, chủ động của các chủ thể văn hóa. Gia tăng việc kiểm tra, giám sát, tổng kết, đánh giá trong quá trình thực hiện.

Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về văn hóa, đặc biệt là xây dựng và nâng cao chất lượng của cán bộ văn hóa các xã qua đó từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ văn hóa thông qua quá trình tiêu chuẩn hóa, tuyển chọn và bồi dưỡng cán bộ.

Hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa mới theo hướng tăng cường tính hiệu quả, không phát triển thiết chế theo một mô hình thống nhất mà phải phù hợp với đặc điểm vùng, miền với nhu cầu và nguyện vọng của người dân; phát huy vai trò và tính tích cực của hệ thống thiết chế văn hóa cổ truyền, của các tôn giáo và tín ngưỡng; xây dựng một số thiết chế văn hóa tiêu biểu cho thời đại mới, có trang thiết bị hiện đại, chuyên nghiệp tại một số xã trên địa bàn huyện.

Củng cố các chính sách, chương trình về văn hóa, tập trung nguồn lực từ Nhà nước và các thành phần kinh tế khác ưu tiên đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biêt khó khăn cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội, đối tượng chịu thiệt thòi về một số loại hình nghệ thuật truyền thống cần bảo tồn, phát triển...

Chủ động và thích ứng với sự phát triển của công nghệ thông tin trong việc phát triển văn hóa, xây dựng con người. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động và quản lý hệ thống truyền thông đại chúng, các phương tiện truyền thông mới, vừa chặt chẽ về nguyên tắc, vừa cởi mở về cơ chế và hình thức, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về văn hóa, thông tin của nhân dân.


Tin khác

Liên kết website