Thông tin tuyên truyền

Huyện Quang Bình thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở

16/07/2018 00:00 106 lượt xem

Những năm qua, Huyện Quang Bình đã chú trọng, quan tâm thực hiện tốt quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, các cấp ủy, chính quyền trong huyện đã quán triệt nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, tỉnh, huyện về thực hiện QCDC ở cơ sở. Xây dựng, ban hành các văn bản về thực hiện QCDC, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị phát triển KT - XH, cải cách hành chính, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, các phong trào thi đua yêu nước và công tác xây dựng Đảng của cơ quan, đơn vị, nhất là đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng. Hàng năm, Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện QCDC huyện tham mưu cho cấp ủy Đảng kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong BCĐ; chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện QCDC ở địa phương, đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, các chương trình, dự án liên quan đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của nhân dân hoặc những vấn đề gây bức xúc ở địa phương.

Đồng chí Hoàng Ngọc Liên - Phó Bí thư T.Trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện lao động nông thôn mới tại xã Tân Trịnh

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã mang lại những hiệu quả tích cực. Đến nay toàn huyện đã có 5 trên tổng số 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đang phấn đấu cuối năm 2018 đề nghị tỉnh công nhận xã Tân trịnh đạt chuẩn nông thôn mới nâng tổng số xã đạt chuẩn là 6 xã. Các xã trong huyện đã có những đổi thay tích cực cả về diện mạo và chất lượng đời sống nhân dân cũng như phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.

Không chỉ phát huy vai trò của nhân dân trong phong trào xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện Pháp lệnh 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về QCDC, các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã đã đưa ra những nội dung công việc nhân dân bàn bạc, quyết định và tham gia như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, công khai tài chính, vốn vay phát triển sản xuất, thực hiện giảm nghèo, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, các tệ nạn xã hội, các phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách hành chính...

Nhiều xã đã chủ động tiến hành rà soát, loại bỏ các thủ tục rườm rà, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong quá trình tiếp nhận và giải quyết các yêu cầu của tổ chức và công dân. Qua khảo sát năm 2017 toàn huyện có 15/15 xã, thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa”, có Ban Thanh tra nhân dân; có Ban Giám sát đầu tư cộng đồng. Trong quá trình thực hiện, luôn coi trọng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tính công khai, dân chủ, nên QCDC ở cơ sở đã thực sự đi vào đời sống nhân dân, tác động tích cực đến các cuộc vận động, các phong trào thi đua của nhân dân ở địa phương.

Đánh giá kết quả xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở, đồng chí Sùng Thị Giang, Ủy viên BTV Huyện ủy, Trưởng Ban dân vận Huyện ủy Quang Bình cho biết: "Việc xây dựng và thực hiện QCDC ở các loại hình cơ sở như xã, thị trấn; trong hoạt động của cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp; trong doanh nghiệp và lực lượng vũ trang đều đảm bảo đúng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Từ đó phát huy tối đa tính dân chủ, nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương. Kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nổi bật trong đó là việc thực hiện QCDC ở xã, thị trấn theo Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng kể”.

Cùng với những hoạt động nói trên, thời gian qua huyện Quang Bình cũng đã thực hiện tốt Nghị định 71 của Chính phủ. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị cơ bản tổ chức Hội nghị cán bộ công chức. Qua Hội nghị, quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức được phát huy, công khai tài chính và quá trình đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật... Vai trò và trách nhiệm của Ban chấp hành Công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân được phát huy. Việc thực hiện Nghị định 07, Nghị định 87 của Chính phủ, ở nhiều doanh nghiệp đều quán triệt đến người lao động thông qua Hội nghị toàn thể người lao động; tiến hành xây dựng các quy chế, quy định như thỏa ước lao động tập thể, quy chế phân phối tiền lương, tiền công, quy định thời gian làm việc, các chế độ, các quy định liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động... từng bước được thực hiện. Các cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể, xuất phát từ mục tiêu phục vụ nhân dân đã tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhân dân. Thái độ, phong cách làm việc của cán bộ đã có chuyển biến tốt. Việc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung các kỳ họp HĐND và các buổi chất vấn tại kỳ họp đã có tác dụng nâng cao trách nhiệm của UBND, của các phòng, ban, ngành trong việc thực hiện Nghị quyết của HĐND. Các báo cáo trả lời ý kiến cử tri, các trả lời chất vấn tại kỳ họp cũng được nhân dân quan tâm theo dõi và giám sát chặt chẽ việc thực hiện, làm cho hiệu quả hoạt động cũng như không khí dân chủ trong các cơ quan dân cử ngày càng tăng lên...

Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện lao động nông thôn mới tại xã Tiên Yên

Việc thực hiện QCDC được các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc. Các quyền, lợi ích, nghĩa vụ của nhân dân được UBND các xã, thị trấn công khai, minh bạch. Những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch phát triển KT-XH, các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, các chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, mức thu các loại quỹ, các khoản phí, lệ phí được thông tin rộng rãi đến người dân. Ngoài công khai, minh bạch các nội dung trên, các xã, thị trấn phát huy vai trò nhân dân trong việc bàn, tham gia ý kiến và quyết định trực tiếp những vấn đề liên quan đến lợi ích của người dân như: Mức hỗ trợ đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng: Điện, đường, trường, trạm, bình chọn các đối tượng được thụ hưởng chính sách xã hội; xây dựng hương ước, quy ước, việc bầu, miễn nhiệm các cán bộ thôn, Ban thanh tra nhân dân, còn tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp theo Nghị định 04/2015/NĐ-CP của Chính Phủ gắn với thực hiện Luật công chức, viên chức được các cơ quan, đơn vị sự nghiệp trong huyện quán triệt, triển khai nghiêm túc. Việc duy trì giao ban định kỳ, tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng lương, nâng ngạch, đánh giá phân loại cán bộ, thi đua khen thưởng, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, chế độ chính sách, thu - chi ngân sách hàng năm được các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn huyện công khai, minh bạch và lấy ý kiến tham gia đóng góp của công chức, viên chức; phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức là công bộc của nhân dân, có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hầu hết các doanh nghiệp trong huyện đều thực hiện công khai phương hướng, nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phổ biến và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động.

Có thể nói, việc thực hiện QCDC theo Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị, các Nghị định của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ, Ngành Trung ương và của Tỉnh, đã được các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở coi trọng chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện đạt kết quả. Quá trình thực hiện đã tác động tích cực đến việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh.


Tin khác

Liên kết website