Thông tin tuyên truyền

Gian nan đầu ra cho cây Nghệ ở Nà Khương

27/09/2019 00:00 111 lượt xem

Mặc dù cây nghệ phát triển khá tốt, củ cho năng suất cao, hiện tại đã vào chính vụ thu hoạch thay vì vui mừng thì nhiều người dân của xã Nà Khương, huyện Quang Bình lại thấp thỏm lo lắng do tiền của, phân bón, công chăm sóc 2 năm qua gần như “mất trắng” vì không có bóng dáng thương lái nào đến thu mua.

Được biết, cây nghệ được đưa về trồng thử nghiệm và được người dân nhân rộng vào cuối năm 2017, từ chuyến thăm quan, học tập kinh nghiệm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại huyện Bắc Mê, cấp ủy chính quyền địa phương, cụ thể là Đoàn thanh niên xã đã trực tiếp mang 2 tấn giống về gieo trồng với mong muốn góp phần đa dạng hóa cây trồng vật nuôi của địa phương và xây dựng sản phẩm cây trồng kinh tế mới xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây. Do phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên cây nghệ sinh trưởng và phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, năng suất bình quân ước đạt 14-15 tấn/ha. Thấy được hiệu quả bước đầu rất khả quan, xã cũng tuyên truyền, định hướng nhân dân gieo trồng với diện tích gần 10 ha tại các thôn bản, trong đó nhiều nhất là các thôn Lùng Vi, Già Nàng, Nà Béng. Tuy nhiên gần 2 vụ nghệ trôi qua, người dân Nà Khương vẫn chưa thu được đồng nào từ trồng nghệ. Gia đình chị Thào Thị Sinh, thôn Lùng Vi là một trong những hộ dân của thôn mạnh dạn chuyển đổi từ trồng cây sắn sang trồng nghệ. Do cây sắn vào thời điểm đó bị rớt giá và phụ thuộc chủ yếu vào thương lái nên không ổn định, được sự tuyên truyền của xã chị đã trồng hơn 1 ha nghệ đen và nghệ vàng với gần 1 tạ giống, với hi vọng có thể phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhưng đến nay, diện tích nghệ của gia đình chị và các hộ khác trong thôn vẫn chưa bán được do không có thương lái đến mua.

Cũng giống như gia đình chị Sinh, chị Lùng Thị Xá và người dân thôn Già Nàng cũng đang thấp thỏm từng ngày lo lắng vì diện tích nghệ của gia đình đã đến vụ thu hoạch nhưng vẫn chưa thấy ai đến thu mua, trồng gần 2 ha bây giờ bán không được, cho không ai lấy, nhổ bỏ thì tiếc công sức chăm sóc.

Nà Khương là xã vùng 3 còn gặp nhiều khó khăn, người dân 100% làm nông nghiệp. Những năm qua, cấp ủy chính quyền địa phương cũng loay hoay tìm các cây, con phù hợp để nuôi trồng với mong muốn giúp người dân thoát nghèo. Rất nhiều cây trồng đã được đưa vào thử nghiệm như sắn, rong giềng, nghệ… năng suất thì cao mà đầu ra quá bấp bênh, không ổn định dẫn đến không duy trì và bền vững. Trao đổi với lãnh đạo xã được biết, để phần nào giải quyết đầu ra cho cây nghệ, xã cũng đã liên hệ với các Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài địa bàn tỉnh, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có phản hồi. Khó khăn lớn nhất hiện tại với các sản phẩm nông nghiệp ở Nà Khương đó chính là đầu ra ổn định.

Điệp khúc đầu ra cho cho sản phẩm nông sản không chỉ riêng ở Nà Khương mà còn ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Quang Bình và tỉnh Hà Giang, đã nhiều lần được nhắc đến trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm đau đầu chính quyền nhiều địa phương và các hộ nông dân. Trồng ồ ạt vì “nghe đồn” cây này, cây kia có giá thành cao, mang lại thu nhập cao mà không có kế hoạch cụ thể và liên kết đầu ra, người dân dồn tất cả vốn liếng đầu tư với mong muốn đời sống đổi thay, nhưng rồi khi đến kỳ thu hoạch nông sản mà chẳng thương lái nào ngó ngàng. Từ thực tế cho thấy, muốn có sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hơn ai hết, đội ngũ cán bộ địa phương phải làm cầu nối, ký kết bao tiêu đầu ra ổn định để người dân an tâm sản xuất, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.


Tin khác

Liên kết website