Thông tin tuyên truyền

Câu chuyện “3 không” ở Pắc Pèng

14/10/2019 00:00 93 lượt xem

Gần 5 năm trở lại đây, đời sống người dân thôn Pắc Pèng, xã Xuân Minh, huyện Quang Bình đã có những đổi thay vượt bậc, nhận thức của người dân ngày càng nâng cao, nền kinh tế phát triển, đường giao thông đi lại dễ dàng, thuận tiện. Tình hình an ninh chính trị, trật tự ATXH ổn định. Bộ mặt thôn bản thay da đổi thịt từng ngày. Có được điều đó là nhờ Pắc Pèng đã thực hiện tốt mô hình “3 không” trên địa bàn.

Pắc Pèng cách trung tâm xã Xuân Minh 9 km, đường xá đi lại rất khó khăn, đặc biệt vào mùa lũ, giao thông chia cắt bởi nhiều khe suối; thôn có diện tích tự nhiên 682 ha, nhưng chỉ có 54 hộ với 278 khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Trước năm 2014, Pắc Pèng là một trong những thôn có số vụ tảo hôn cao của xã, tình trạng bạo lực gia đình, trộm cắp còn xảy ra; nguyên nhân chủ yếu là do trình độ dân trí thấp, người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, nhiều trường hợp uống rượu say dẫn đến bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng, làm mất ANTT. 

Tháng 11/2014, Mô hình “3 không” (không tảo hôn, không bạo lực gia đình, không vi phạm pháp luật) được xây dựng và triển khai thực hiện đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể cùng toàn thể nhân dân trong thôn; Ban chỉ đạo mô hình của xã, các ngành, đoàn thể của xã, Ban Quản lý thôn, các Chi hội trong thôn đã làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân về: Luật hôn nhân gia đình; Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật giao thông đường bộ; Luật bảo vệ rừng… đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho người dân trong việc chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các Chỉ thị, Nghị quyết của địa phương.

Gần 5 năm thực hiện mô hình “3 không”, tình hình ANTT trên địa bàn thôn đã có chiều hướng thay đổi tích cực, không xảy ra trường hợp tảo hôn và bạo lực gia đình, không sinh con thứ 3 và không mắc tệ nạn xã hội phức tạp, không chặt phá rừng, săn bắt thủy sản trái phép… Một trong những việc làm hay, hiệu quả của thôn chính là không được săn bắt cá suối trái phép, Tổ tự quản của thôn và nhân dân cùng nhau bảo vệ, nếu phát hiện ra các đối tượng vi phạm tiến hành xử phạt theo hương ước, quy ước thôn bản. Nhờ vậy mà đàn cá suối tự nhiên của thôn ngày càng phát triển, các loại cá rầm xanh, sứt mũi, cá trắng, trèo đồi… thi nhau bơi lội giữa dòng nước mát trong xanh.

Được biết, mỗi năm người dân thu hoạch cá 2 lần vào những ngày trọng đại của địa phương đó là ngày hội đại đoàn kết và mừng lúa mới vào tháng 6. Không chỉ là thực phẩm sạch, dồi dào phục vụ bữa ăn dịp lễ, hội mà còn là một nguồn kinh phí xã hội đáng kể của thôn. Cá được thu hoạch, sau khi chia đều cho các hộ dân trong thôn và phục vụ lễ tiệc, số còn lại được người dân đem bán. Với giá từ 30- 120.000đ/kg tùy loại, mỗi năm đàn cá thu về cho thôn hơn 15 triệu đồng. Từ số tiền này, người dân trong thôn thống nhất sử dụng để xây sửa trường lớp học, trụ sở thôn, làm đường bê tông, nội đồng, hỗ trợ các hộ nghèo… Từ sức mạnh đoàn kết, cùng sự tuyên truyền của cấp ủy chính quyền địa phương và nhận thức ngày càng cao của người dân. Mặc dù không phải là thôn, xã điểm trong xây dựng NTM, nhưng Chi bộ và Ban quản lý thôn đã vận động, huy động nhân dân tham gia hiến đất, ngày công, đóng góp tiền xây dựng đường giao thông nông thôn và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Kết quả, con đường ô tô dài 4,2 km nối từ đường nhựa vào trung tâm thôn và 2 tổ được hoàn thành với số tiền lên tới 480 triệu đồng. Tuyến đường nội đồng gần 4,5 km rộng 2,5 m với số tiền 66 triệu đồng và đoạn đường bê tông dài 1,95 km cũng được hoàn thành trong niềm vui hân hoan của người dân nơi đây. Bởi giờ đây, các sản phẩm nông sản của địa phương dễ dàng được vận chuyển để giao lưu mua bán, học sinh có con đường an toàn để đến trường.

Hương ước, quy ước thôn bản được phát huy đạt hiệu quả cao, nhân dân tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, đời sống ngày càng ấm no, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 là 11 triệu đồng/người/năm thì năm 2019 đã tăng lên con số 23 triệu đồng. Không còn tình hình ANTTXH phức tạp. Có thể nói, “3 không” tại thôn Pắc Pèng là mô hình đáng được nhân rộng.

Về Pắc Pèng hôm nay, mới thấy được hiệu quả của sức mạnh đoàn kết, cùng sự thay đổi vượt bậc từ nhận thức đến kinh tế của người dân nơi đây. Tương lai không xa Pắc Pèng sẽ là một nơi lý tưởng cho du lịch trải nghiệm và thưởng ngoạn thiên nhiên của du khách bởi những con người thân thiện, thiên nhiên hùng vĩ, dòng nước mát trong xanh cùng những đồi chè xanh ngút tầm mắt sẽ níu chân bất kỳ ai đến với nơi này. Quan trọng hơn, nơi đây tình hình ANTT luôn được đảm bảo và giữ vững.


Tin khác

Liên kết website