Văn hóa - Du lịch

Du lịch cộng đồng dưới góc nhìn kinh tế - văn hóa

31/08/2016 00:00 985 lượt xem

Bản chất của du lịch là văn hóa. Kinh tế vừa là phương tiện vừa là mục tiêu phát triển du lịch. Sự gắn bó hữu cơ giữa kinh tế và văn hóa là đặc điểm cơ bản của du lịch và hiện nay du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương...

 Du lịch cộng đồng là một trong những mô hình đang được huyện Quang Bình chú trọng đầu tư nhằm xây dựng những sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn, lôi cuốn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Bắt nhịp với xu hướng phát triển này, nhiều hộ gia đình tại xã Xuân Giang và Tân Bắc đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình thuần nông sang làm du lịch cộng đồng nhằm nâng cao đời sống, góp phần phát triển du lịch địa phương. 

Điều làm cho du khách thấy bất ngờ khi đến với làng quê miền núi đó là phong cảnh làng quê yên bình, đường làng, ngõ xóm được phong quang, sạch sẽ, người dân đã nhận thức được việc phát triển sản xuất gắn với đón khách du lịch đến tham quan và bảo vệ môi trường. Mặc dù doanh thu từ du lịch cộng đồng chưa cao, nhưng nó đã mở ra một hướng phát triển trong việc xây dựng nông thôn mới. Phát triển du lịch cộng đồng, người dân sẽ trực tiếp tham gia và thu lợi, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên, những giá trị vật chất và văn hoá truyền thống để phục vụ du lịch. Các hoạt động mà du khách đến đây được khám phá rất bình dị, mộc mạc trong cuộc sống thường nhật nhưng lại rất sinh động. Du khách được trải nghiệm cuộc sống thường ngày của bà con nông dân như giã gạo, gói bánh, chế biến và thưởng thức những hương vị ẩm thực của dân tộc mà không nơi nào có được, hay tham quan những ngôi nhà sàn truyền thống, tự tay dệt những tấm khăn, những sợi đeo dao, hoặc đắm mình trong những điệu then, cọi của người tày, kỳ bí và sôi động hơn khi được chứng kiến Lễ hội nhảy lửa của người Pà thẻn tại xã Tân Bắc. v.v… Và điều đặc biệt hơn nữa, khách đến thăm nhà dân, được tìm hiểu những nét đẹp bản sắc văn hoá, phong tục tập quán và cuộc sống của người dân địa phương. Hiện nay, trung bình mỗi tháng, khu du lịch cộng đồng thôn Chì, xã Xuân Giang đón khoảng 200 khách tham quan du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài.

Du lịch theo hình thức Homestay luôn hấp dẫn du khách gần xa.

Là xã có hoạt động du lịch cộng đồng theo phương thức Homestay, tức là ở lại nhà dân địa phương (khi đi du lịch), xã Xuân Giang đã và đang từng bước xây dựng các mô hình du lịch có trách nhiệm, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho người nông dân, đồng thời nâng cao vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch bền vững. Trong đó, thôn Chì là một trong những địa bàn thường xuyên đón và phục vụ du khách tham gia loại hình du lịch cộng đồng với các đặc điểm truyền thống của văn hóa tày. Hiện nay, thôn có 10 hộ gia đình đăng ký làm du lịch, các gia đình đã tự trang bị chăn, ga, gối, đệm, tủ thuốc trong nhà; có ý thức vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, sắp đặt trang trí, bố trí trang thiết bị trong nhà hợp lý theo kiểu truyền thống; nhà cửa được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày, thoáng mát, hợp vệ sinh, thuận lợi về giao thông, đảm bảo đủ điều kiện phụ vụ khách đến tham quan và ăn nghỉ, ngoài ra, thôn có Đội văn nghệ dân gian với 15 người, thường xuyên tập luyện các tiết mục tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Tày để tổ chức biểu diễn chào mừng kỷ niệm các ngày Lễ lớn của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị của xã, thôn và biểu diễn phục vụ khách tham quan khi có yêu cầu. Có đội ngũ đầu bếp chế biến thành thạo các món ăn ẩm thực mang đặc trưng truyền thống của dân tộc, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của khách tham quan du lịch ăn, nghỉ tại làng. Nổi bật trong số đó là hộ ông: Hoàng Văn Toàn và Hoàng Văn Thủy từ gắn bó với nông nghiệp, năm 2007, gia đình ông chuyển sang mô hình Homestay, cung cấp dịch vụ tại chỗ cho du khách, thu nhập hàng năm tăng thêm khoảng 50%. Để đón tiếp du khách chu đáo, gia đình ông đã có kế hoạch cụ thể cho từng đoàn khách nội địa hoặc nước ngoài với nhiều hoạt động hấp dẫn và bài bản. Đặc biệt, các gia đình này có thể giao tiếp đôi chút bằng tiếng anh nên khá thuận lợi trong việc giới thiệu văn hóa, ẩm thực bản địa tới du khách nước ngoài. Bởi thế, mỗi năm, các hộ trong thôn thu hút khoảng vài trăm lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.

Chế biến món Rêu đá phục vụ du khách.

Theo đó, từ trung tâm huyện lỵ Quang Bình, song song với tuyến du lịch Sa Pa của tỉnh Lao Cai du khách sẽ hướng đến xã Xuân Giang. Khi tới thôn, các thành viên trong gia đình có dịch vụ sẽ giới thiệu kế hoạch du lịch mà du khách sẽ được trải nghiệm trong thời gian tham quan hoặc lưu trú tại gia đình. Du khách sẽ được cùng gia đình tham gia các khâu chế biến các sản phẩm đặc trưng của vùng đất phía nam huyện Quang Bình, trong đó nổi bật là món rêu đá nướng và mắm cá chép ruộng. Nếu có dịp nghỉ đêm tại gia đình, du khách sẽ được tận hưởng các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc của đồng bào Tày với các làn điệu hát then, hát cọi, những điệu múa uyển chuyển, nhẹ nhàng do những cô gái tày duyên dáng và xinh đẹp thực hiện.

Rời thôn Trang, xã Xuân Giang, trên đường đến với cao nguyên đá Đồng Văn du khách sẽ đến với làng du lịch Cộng đồng người Pà Thẻn, nơi lưu giữ những nét tinh hoa, những giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc của người Pà Thẻn chịu thương, chịu khó bên công việc đồng áng, bên những khung cửu dệt nên những bộ trang phục lung linh, rực rỡ. Chắc hẳn, du khách gần xa sẽ cảm nhận được những nét văn hóa phong tục tập quán rất riêng của người dân Pà Thẻn nơi đây. Đời sống tinh thần của người Pà Thẻn là một kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng thể hiện qua các làn điệu giao duyên của thanh niên nam, nữ và trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn luôn có quan niệm xung quanh họ luôn có các vị thần che chở, đùm bọc, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để tồn tại và mưu sinh. Đối với người Pà Thẻn, vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ. Hãy tưởng tượng đôi chút, trong khung cảnh tĩnh mịch của núi rừng khi bóng đêm đã bủa vây, thì bất chợt vang lên những tiếng mõ, tiếng hú và ánh lửa bập bùng, những chàng trai người Pà Thẻn nhảy múa trên đống than hồng rực với đôi chân trần của mình mà không hề có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi. Không có bất cứ một vật dụng nào để lót cho đôi chân của những chàng trai ấy, nhưng làm thế nào các chàng trai đi chân trần nhảy múa trên lửa mà không hề bị bỏng rát, đầu tóc, quần áo cũng không hề bị cháy?. Bí ẩn này vẫn đang là một ẩn số và chưa có lời giải thích. Có thể nói, tuy còn mang màu sắc tâm linh và huyền bí, nhưng Lễ hội nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là  minh chứng cho sức mạnh, cho quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người. Đây không chỉ là ngày vui của người Pà Thẻn, không chỉ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác.

Du lịch được coi là “Ngành công nghiệp không khói”, trong đó bao hàm một phạm trù rộng lớn về không gian văn minh, chiều sâu văn hóa trong đó du khách là chủ thể. Chỉ có tinh hoa văn hóa, sự độc đáo riêng biệt của văn hóa, văn minh của dân tộc mới đủ sức thu hút, quyến rũ với du khách đến với huyện Quang Bình, làm nên thành công của các mô hình du lịch cộng đồng. Giữ gìn môi trường văn hóa, môi trường tự nhiên, làm giàu cho nhân dân chính là những việc cần làm để phát triển du lịch bền vững, có trách nhiệm.

Về phía địa phương, hiện nay UBND huyện Quang Bình cũng đang quyết tâm đẩy mạnh mô hình du lịch cộng đồng với những hoạt động cụ thể như: Không ngừng cải tiến về nội dung, hình thức cũng như chất lượng các dịch vụ du lịch; đa dạng các sản phẩm du lịch, đáp ứng được thị hiếu của du khách, qua đó góp phần thu hút khách đến nhiều hơn, gia tăng thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách, đặc biệt là khách quốc tế.


Tin khác

Liên kết website