Văn hóa - Du lịch

Văn hóa - Du lịch Quang Bình

22/12/2016 00:00 1591 lượt xem

       Vùng đất Quang Bình có một nền văn hóa lâu đời thuộc niên đại đồ đồng Đông Sơn. Trải qua nhiều lần thay đổi cương vực và tên gọi như: Thời các vua Hùng dựng nước, vùng đất này là địa bàn cư trú của dân cư bộ Tây Vu, đến thế kỷ XI mang tên châu Bình Nguyên, thời Lý thuộc phủ Phú Lương, thời Trần là trường Phú Linh, thời Lê đổi thành Châu Vị Xuyên...
       Với 12 dân tộc sinh sống, các nhóm ngôn ngữ khác nhau đã tạo lên một sự đa dạng về phong tục tập quán, văn hóa và Lễ hội. Tiêu biểu như: Lễ hội nhảy lửa, Lễ hội kéo chày, Lễ cấp sắc, Lễ hội lồng tồng...các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc như hát yếu, hát cọi, khèn, sáo, đàn môi, đàn tính đã góp phần tạo cho Quang Bình một kho tàng văn hóa phong phú và hấp dẫn.
       Ngoài ra trên địa bàn huyện Quang Bình còn có rất nhiều hang động, thác nước, khu thắng cảnh thiên nhiên đẹp, có điều kiện để phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng; phát triển các tour du lịch sinh thái kết hợp khám phá các nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc bản xứ.
       Lễ hội truyền thống
       * Lễ hội nhảy lửa dân tộc Pà Thẻn (ngày 16/10 âm lịch hằng năm – chính hội)

Trong đời sống văn hoá tinh thần, đặc biệt là trong tín ngưỡng, người Pà Thẻn luôn tin rằng mọi hoạt động trong đời sống thường ngày của họ đều có các lực lượng siêu nhiên chi phối. Với quan niệm "vạn vật hữu linh" nên mọi vật đều có linh hồn tồn tại bất diệt trong không gian và thời gian. Muốn có sự che chở của thần linh và hạn chế tác hại của ma dữ, hàng năm người Pà Thẻn thường tổ chức nhiều nghi lễ thờ cúng, trong đó có Lễ cúng nhảy lửa. Từ 16 tháng 10 âm lịch đến hết Tết Nguyên Đán hàng năm, người Pà Thẻn tổ chức lễ hội nhảy lửa cầu mong các lực lượng siêu nhiên phù hộ cho dân bản được khoẻ mạnh, mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, củng cố tinh thần đoàn kết xây dựng làng bản.

       Đối với người Pà Thẻn thì lửa là vị thần tối cao, linh thiêng nhất, lửa sẽ mang lại cho người dân tộc Pà Thẻn sự ấm áp, xua đuổi tà ma, đẩy lùi bệnh tật và mang sức mạnh phi thường cho người dân. Đây là một nét sinh hoạt tinh thần phong phú và độc đáo của dân tộc Pà Thẻn, chứa đựng những giá trị văn hóa mang đậm nét hoang sơ của miền sơn cước và màu sắc tâm linh huyền bí. Trên đống than hồng, bằng đôi chân trần, với ý nghĩa nhằm sua đuổi tà ma, cầu xin thần linh phù hộ cho mùa màng tươi tốt, gia súc đầy đàn, con cháu được khoẻ mạnh.

Ảnh Claudio Sieber

       Các chàng trai Pà Thẻn khỏe mạnh, cường tráng, quanh năm suốt tháng cần cù với công việc nương rẫy, đồng áng và trong lễ hội nhảy lửa họ luôn ngồi đối diện với thầy cúng để chờ được thần linh ban phát sức mạnh. Sau khi thầy cúng làm lễ xong, những thanh niên tham gia lễ hội nhảy lửa ngồi vào ghế của thầy cúng dùng que tre gõ vào chiếc đàn sắt, thanh niên nào nhập đồng được thì người đó sẽ run lên và nhảy múa trên đống lửa hồng.
       Không cảm giác bỏng rát hay sợ hãi trước ngọn lửa, than hồng, các thanh niên người Pà Thẻn nhảy múa với đôi chân trần của mình trong đống lửa, thời gian nhảy lửa của họ sẽ tùy thuộc vào sức mạnh được thần linh ban cho. Khi họ tự bị đẩy ra khỏi đống lửa là lúc sức mạnh đã bị thu phục, lúc này họ phải trở về bên thày cúng và tiếp tục gõ vào chiếc đàn sắt làm lễ nhập đồng và chờ thần linh ban sức mạnh cho đợt nhảy mới.
       Không phải ai cũng nhảy lửa được và chỉ khi thầy cúng làm lễ, người nào nhập đồng được thì mới hoà mình cùng với đôi chân trần trên đống than hồng rực mà người thường ai cũng phải khiếp sợ. Chàng trai Pà Thẻn nào tham gia được lễ hội nhảy lửa luôn nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ của dân bản, đặc biệt là đối với các thiếu nữ Pà Thẻn.
       Vào mùa xuân, khắp các bản làng của người Pà Thèn, lễ hội nhảy lửa vẫn được dân bản lưu giữ như một báu vật của làng. Với tín ngưỡng tâm linh, lễ hội nhảy lửa truyền thống của người Pà Thẻn là một kho tàng văn hóa hết sức phong phú và độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần đậm nét nhân văn.
       Khi lửa đã tàn, than đã nguội dần thì cũng là lúc thầy cúng làm lễ để tiễn "thần lửa" về chốn cũ, tất thảy đều trở về trạng thái bình thường. Một Lễ hội huyền bí, kỳ diệu đã kết thúc, đọng lại trong lòng du khách những lời thán phục và tràn đầy hương vị ấm áp của mảnh đất sơn thuỷ, hữu tình, vùng đất sơn cước đã góp phần làm nên một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 2013 Lễ hội nhảy lửa đã được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
       * Lễ hội kéo chày dân tộc Pà Thẻn

        Đến với Quang Bình vào những ngày trung tuần của tháng 10 Âm lịch hằng năm, du khách sẽ được thưởng thức, đắm mình cùng Lễ hội "kéo chày" - một Lễ hội độc đáo, nguyên sơ và huyền bí của dân tộc Pà Thẻn, xã Tân Bắc.
       Sau những ngày thu hoạch xong vụ lúa mùa, bà con dân tộc Pà Thẻn chọn ngày tốt, thường là ngày 16/10 Âm lịch hàng năm là ngày tổ chức Lễ hội "kéo chày." Theo các già làng dân tộc Pà Thẻn ở xã Tân Bắc thì nghệ nhân cúng ở Lễ hội "kéo chày" rất quan trọng. Sau câu niệm thần chú thì chiếc chày được nâng lên khỏi mặt đất mặc dù rất nhiều thanh niên kéo chày xuống bằng mọi cách cũng không thể kéo được.
       Trước khi vào buổi Lễ "kéo chày" nghệ nhân người Pà Thẻn dùng một chiếc chày được làm bằng gỗ hoặc vầu, có đường kính khoảng 10 cm, dài từ 2,5-3m. Sau đó, nghệ nhân người Pà Thẻn cầm tay vào chiếc chày, xoay đi xoay lại mấy vòng và niệm thần chú. Cùng đó, hai thanh niên người Pà Thẻn trai tráng, khỏe mạnh ôm chặt chày ở tư thế đối ngược nhau. Vừa xoay chày, nghệ nhân người Pà Thẻn vừa đọc thần chú, sau đó như có một phép thuật mà không ai có thể diễn tả nổi, chiếc chày khắc tự xoay và nâng lên khỏi mặt đất, mặc dù hai thanh niên ra sức kéo xuống cũng không thể kéo được. Lúc này hàng chục thanh niên trai tráng trong bản cùng nhau kéo chày xuống nhưng cũng không kéo nổi, chỉ khi nào có người bịt tay vào đầu trên hoặc dưới của chiếc chày thì chiếc chày mới chạm đất, khi đó Lễ kéo chày kết thúc.


Ở Lễ hội "kéo chày", những chàng trai Pà Thẻn nào tham gia luôn nhận được sự tin yêu, thán phục và ngưỡng mộ của du khách nói chung và các cô gái Pà Thẻn nói riêng. Với dân tộc Pà Thẻn, Lễ hội "kéo chày" là một hoạt động mang tính chất cộng đồng, là dịp để mọi người cùng nhau vui vẻ, thư giãn sau một ngày mùa bội thu. Qua Lễ hội, họ cầu mong các thần linh phù hộ mưa thuận, gió hòa, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm. Trong Lễ hội "kéo chày," các chàng trai Pà Thẻn ai cũng diện áo mới, mặc quần chân què, trang trí thêm hai chiếc khăn vắt chéo qua ngực và dùng thắt lưng màu trắng. Các cô gái Pà Thẻn lại nổi bật hơn trong bộ trang phục màu đỏ tươi, một bộ nữ phục của các cô gái gồm khăn, áo, thắt lưng, váy, tạp dề. Màu chủ đạo trên trang phục của các cô gái Pà Thẻn là màu đỏ, nhưng có phối màu với các màu sáng khác như màu trắng bằng cách ghép vải hoặc dệt thành đường kẻ sọc. Gìn giữ nguyên vẹn nét văn hóa độc đáo của dân tộc trong cuộc sống của người Pà Thẻn huyện Quang Bình nói chung và lễ hội "kéo chày" nói riêng là một điều rất đáng trân trọng. Với tín ngưỡng tâm linh, Lễ hội "kéo chày" truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là kho tàng văn hóa hết sức phong phú và độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần đậm nét nhân văn.
       * Lễ hội Lồng tồng dân tộc Tày (Hội xuống đồng)

     Là nét đẹp quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của đồng bào dân tộc Tày. Lễ hội này được xem là hoạt động tín ngưỡng cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, dân bản hạnh phúc. Lễ hội Lồng tồng được tổ chức vào ngày 03 Tết âm lịch hàng năm tại xã Tiên Nguyên.

Lễ Tịch điền tại Lễ hội Lồng tông

Dệt thổ cẩm của người Tày, xã Xuân Giang

Dệt thổ cẩm của người Pà Thẻn, xã Tân Bắc.

        * Du lịch Quang Bình

       Huyện Quang Bình có 5 làng văn hoá du lịch cộng đồng (Làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Chì, xã Xuân Giang; làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Chang, xã Xuân Giang; làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn My Bắc, xã Tân Bắc; làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Buông, xã Tiên Yên; làng văn hoá du lịch cộng đồng thôn Nà Chõ, xã Tân Nam). Ấn tượng đầu tiên đối với nhiều du khách khi đặt chân tới các làng văn hoá du lịch ở Quang Bình không phải là những sắc màu sặc sỡ của thổ cẩm, những bộ váy, áo của đồng bào người Pà Thẻn, Mông, Dao, Tày, không phải là những món ẩm thực đặc thù mà có lẽ đó là sự thân thiện, mến khách của đồng bào người Tày, Pà Thẻn, Dao, Mông…

       Sau những chuyến khám phá bản làng, các danh thắng hoặc cùng dân bản tham gia các hoạt động lao động, sản xuât là một chương trình giao lưu giữa du khách và bà con nhân dân. Cùng đắm mình trong các điệu múa dân gian truyền thống, cùng say sưa trong những câu hát cọi, hát giao duyên ngọt ngào và hòa mình vào những Lễ hội nhảy lửa, kéo chày sẽ níu bước chân du khách “Người ở đừng về”.
       Tuor du lịch: My Bắc (làng Pà Thẻn ) – thôn Chì, thôn Chang (làng người Tày) – thôn Buông (làng người Dao) – khu du lịch thủy điện sông Chừng mang đầy đủ hương vị của du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái. Các dịch vụ đi kèm như: Đi bộ đường mòn xuyên rừng qua các bản làng nguyên sơ; leo núi; khám phá các hang động, thác nước; câu cá, quăng chài, thưởng thức ẩm thực đặc trưng của từng dân tộc.

Một góc nhỏ nhà văn hóa du lịch cộng đồng thôn Chang, xã Xuân Giang


Chế biến món Rêu đá phục vụ du khách.

 Mọi thông tin về văn hóa du lịch cộng đồng huyện Quang Bình liên hệ: Điện thoại 0834.644.388, Email: nttuc.qb@hagiang.gov.vn


Tin khác

Liên kết website