Văn hóa - Du lịch

Khái quát về du lịch Quang Bình - Hà Giang

08/04/2019 00:00 1741 lượt xem

Quang Bình là huyện vùng thấp, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Hà Giang. Toàn huyện có 15 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn và 135 thôn bản. Có 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó: Dân tộc Tày chiếm 46,60%; dân tộc Dao chiếm 23,26 %; dân tộc Pà Thẻn chiếm: 8,21%; dân tộc Kinh chiếm: 8,05%; dân tộc La Chí chiếm 5,07%; dân tộc Mông chiếm 4,87%; các dân tộc khác chiếm 3,94 %. Nói đến Quang Bình rất nhiều người biết đến Lễ hội nhảy lửa - một lễ hội linh thiêng, huyền bí của dân tộc Pà Thẻn và những nếp nhà sàn vẫn còn giữ nguyên được nét cổ xưa của người Tày hoặc lễ hội thể thao - du lịch độc đáo của Lễ hội đua thuyền.

Khí hậu của Quang Bình

Thời tiết, khí hậu ở huyện Quang Bình mang đặc trưng của vùng nhiệt đới, gió mùa, tính chất nóng ẩm với nhiệt độ trung bình từ 220 - 270c. Lượng mưa hàng năm từ 4.000mm - 4.600mm. Độ ẩm trung bình trong năm từ 85 - 90%. Đây là nhiệt độ vừa phải và thích hợp cho khách du lịch.

Các điểm tham quan du lịch

- Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng nông thôn mới dân tộc Pà Thẻn thôn My Bắc, xã Tân Bắc

Đến thôn My Bắc, xã Tân Bắc, quý khách sẽ được tham gia hoạt động lao động sản xuất cùng người dân (gặt lúa, hái chè…); tham quan làng (Nhà truyền thống dân tộc Pà Thẻn, Hợp tác xã dệt thổ cẩm, tham quan hoạt động các tổ nghề, nhóm nghề trong thôn; mua quà lưu niệm tại nhà trưng bày và giới thiệu sản phẩm của dân tộc Pà Thẻn…).

 

Du khách nghỉ tại các Homestay của làng

 

Du khách đi bộ tham quan khu kinh tế của người Pà Thẻn tại núi Bắc Vì, trải nghiệm, hòa mình vào thiên nhiên, không khí mát lành và chụp ảnh lưu niệm tại thác Dòng Xanh, thác Bắc Vì. 

Thưởng thức chương trình giao lưu văn nghệ dân gian dân tộc Pà Thẻn và tực tiếp xem Lễ kéo chày, Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn - Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia; xem trích đoạn đám cưới của người Pà Thẻn.

- Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Tày thôn Chì, xã Xuân Giang và thôn Nà Chõ, xã Tân Nam

Thôn Chì, thôn Nà Chõ được du khách biết đến qua những ngôi nhà sàn truyền thống vẫn còn giữ nguyên được kiến trúc cổ xưa.

Ẩm thực truyền thống của dân tộc Tày nơi đây, được kể đến như: Rêu đá, Mắm cá ruộng, cơm lam, sôi ngũ sắc…

Các nghề truyền thống vẫn còn giữ gìn như: Nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát, nghề rèn, nghề đan nón lá hai mê…

Tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí như: bắn nỏ, câu cá, quăng chài, đi khà kheo, tung còn…

Tham quan một số hang động, thác nước nổi tiếng, như: Hang tiên, thác khau thung…

Thưởng thức chương trình văn nghệ dân gian, lễ hội Lồng tồng truyền thống của dân tộc Tày.

- Làng văn hóa du lịch dân Dao thôn Buông, xã Tiên Yên

Quý khách đi tham quan làng và ngắm cảnh núi non hung vĩ, khám phá hang Thẳm Ky, nghỉ ngơi ngân chân trong suối mát về mùa hè, đặc biệc nguồn suối này lại có hơi ấm về mùa đông.

Thưởng thức các tiết mục văn nghệ dân gian dân tộc Dao và xem lễ cấp sắc của dân tộc Dao.

- Khu du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện sông Chừng

 

Hồ thủy điện sông Chừng là địa danh có cảnh quan đẹp, là điểm dừng chân lý tưởng khi đến với huyện Quang Bình. Hồ được hình thành do việc ngăn dòng lấy nước làm thủy điện trên một vùng đất có nhiều sông, suối, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao.

Du khách đến đây có thể đi thuyền hoặc ca nô để trải nghiệm và cảm nhận được bầu không khí mát lành của nước, của gió và hoà mình cùng thiên nhiên hào phóng, thả hồn mình vào mênh mông trời nước, điệp trùng núi đảo tưởng chừng như vô tận.

Đi thuyền trên hồ quý khách sẽ dừng chân tại đảo “Bướm hoa”, hòn đảo này chính là ngọn núi bị nước nhấn chìm chỉ còn một phần đỉnh núi nhô lên khỏi mặt nước. Đảo không có cư dân sinh sống, chỉ có những tán cây soi mình dưới bóng nước và vườn hoa được người dân nơi đây tạo nên. Thi thoảng, một vài chiếc thuyền của đồng bào lặng lẽ cập bờ thả lưới rồi lại lặng lẽ lướt đi trả lại sự tĩnh lặng vốn có.

Một số hình ảnh đảo bướm hoa

Điểm dừng chân dành cho chuyến tham quan lòng hồ chính là những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Nhà thường nằm đơn độc bên sườn núi, cũng có khi quần tụ thành một xóm nhỏ dăm ba nóc, cuộc sống tự cung, tự cấp với những nương sắn những thửa ruộng bậc thang từ đỉnh núi kéo dài xuống tận mép nước và những đàn gia súc nhỏ chăn thả tự do quanh nhà.      

Một điểm dừng chân khác trên chuyến hành trình khám phá lòng hồ thủy điện sông Chừng chính là ngôi đình Bản Chún, thuộc thôn Nà Mèo, xã Tân Nam. Đình đã có nguồn gốc từ hàng trăm năm trước, là điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày trong vùng. Hằng năm tại đình đồng bào vẫn thường xuyên tổ chức lễ cúng thần sông, thần núi và những nghi lễ cầu mong sự bình an, no ấm.

Bên cạnh sự mênh mông của hồ nước, vẻ đẹp của những rừng cây, những hòn đảo hay những nếp nhà sàn ẩn dưới tán cọ của đồng bào các dân tộc sinh sống trên vùng lòng hồ, một cảnh quan tiêu biểu không thể bỏ qua đó là những khe suối, thác nước phía thượng nguồn. Một trong những cảnh quan khe thác đẹp nhất trên vùng lòng hồ là thác Nặm Cháng nằm ở khu vực thôn Nà Mèo xã Tân Nam.

Từ khi đập thủy điện ngăn nước, vùng lòng hồ mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục và phát triển lễ hội đua thuyền. Hiện nay, lễ hội đua thuyền đã trở thành một lễ hội thường niên được tổ chức vào ngày 18 tháng 9 hằng năm.

Với đặc điểm là hồ nhân tạo, hồ thủy điện sông Chừng là nơi mang trong mình sự kết tinh thành quả của bàn tay và khối óc con người trong quá trình cải biến tự nhiên phục vụ cuộc sống. Cũng chính sự cải biến đó kết hợp với những vẻ đẹp sẵn có của tự nhiên đã tạo nên một danh lam thắng cảnh đẹp, hiếm có của huyện Quang Bình.

 


Tin khác

Liên kết website