Kinh tế

Xuân Giang trên đà đổi mới

04/12/2020 08:38 120 lượt xem

Xuân Giang (Quang Bình) là một trong 4 xã của tỉnh vinh dự được Bác Hồ gửi Thư khen ngợi rất hăng hái ủng hộ kháng chiến chống thực dân Pháp, đã làm những việc như bán lương thực rẻ cho bộ đội. Khi đánh giặc thì toàn dân đã ra sức tiếp tế cho bộ đội, vận tải và giúp đỡ các chiến sĩ bị thương. Nối tiếp bề dày truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã luôn một lòng đoàn kết, tự lực, tự cường xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh.

Nhiều năm nay, Đảng bộ xã Xuân Giang luôn xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, giải pháp, động lực trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển KT - XH. Để cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của các cấp, xã đã bám sát chủ đề từng năm, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của tập thể và từng cá nhân. Đây là tiêu chí then chốt trong việc đánh giá cán bộ, đảng viên (CBĐV), bình xét tổ chức cơ sở Đảng hàng năm. Với nội dung và hình thức tổ chức thực hiện sinh động, phong phú đã có nhiều tấm gương điển hình, mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn được chọn làm điểm để nhân rộng. Nổi bật là phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM); “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”. Từ đó, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong CBĐV và nhân dân; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. 

Các sản phẩm đan lát truyền thống của đồng bào dân tộc Tày xã Xuân Giang.
Các sản phẩm đan lát truyền thống của đồng bào dân tộc Tày xã Xuân Giang.

Từ năm 2015 trở lại đây, Xuân Giang có sự thay đổi đáng kể của một vùng nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Đặc biệt, sau khi đạt chuẩn NTM, xã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Kết quả, tổng giá trị từ cây lúa, ngô, cam, quýt đạt 34,4 tỷ đồng/năm. Chăn nuôi có 21 mô hình tiêu biểu nuôi lợn, gà, dê, cá, đem lại lợi nhuận 24 tỷ đồng/năm. Thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, người dân trồng được trên 800 ha rừng, mỗi năm, khai thác lâm sản từ rừng trồng là 514 m3 gỗ. Hiện, xã có 1 tổ sản xuất men lá, 1 tổ nấu rượu ngô men lá và 9 tổ quản lý Quỹ phát triển thôn để triển khai chương trình NTM, chương trình 135 ở thôn Bản Tát và chương trình quy tụ dân cư. Cùng với đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, toàn xã có 12 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương. 

Trong 5 năm qua, thực hiện khâu đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, toàn xã ra quân được 72 buổi “Ngày thứ Bảy vì NTM”, với gần 9.000 ngày công; vận động người dân hiến trên 6.200 m2 đất; các tổ chức, cá nhân đóng góp 3,7 tỷ đồng để làm đường bê tông, kênh mương nội đồng, cầu tràn qua suối, nâng cấp và sửa chữa nhà văn hóa thôn. Ngoài ra, xã còn có Làng Văn hóa du lịch tiêu biểu thôn Chì và Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Chang; hằng năm, đón trên 2.000 khách du lịch tới tham quan, lưu trú; thu nhập bình quân của các hộ làm dịch vụ homestay đạt 50 - 80 triệu đồng/năm. Cùng với đó, thi đua trên lĩnh vực giáo dục, dân số cũng có nhiều điểm sáng; QP - AN được củng cố, tăng cường, giữ vững niềm tin trong nhân dân. 

Ông Hoàng Văn Căn, Bí thư Chi bộ thôn Chang phấn khởi, cho biết: “Thôn có 140 nhà với 564 khẩu. Thôn nằm ở trung tâm xã, gần chợ nên phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ; thôn có HTX Dệt thổ cẩm Mường Chang và HTX hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh tả lợn châu Phi, người dân chủ yếu chuyển sang chăn nuôi gà, vịt, cá. Trong thôn có 12 hộ thu nhập đạt 100 triệu đồng/năm, chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo. Cuộc sống của bà con bước sang trang mới khi nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang, đầy đủ các tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình. Với ý thức vươn lên, người dân thôn Chang hăng say lao động sản xuất, làm giàu trên quê hương. Noi gương “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, tôi phát triển chăn nuôi gà theo hướng gia trại và làm dịch vụ du lịch homestay, tạo thu nhập đều đặn cho gia đình”.

Qua trao đổi, đồng chí Lý Văn Ba, Chủ tịch UBND xã, khẳng định: “Chính sự chuyển mình mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực là động lực để xã bước tiếp trong tương lai. Tuy vẫn còn khó khăn phía trước, nhưng với các giải pháp, định hướng cụ thể đặt ra, xã quyết tâm hoàn thành các mục tiêu lớn trong giai đoạn 2020 - 2025 là: Tổng giá trị sản xuất đạt 243 tỷ đồng, thu ngân sách tăng bình quân 5%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 51 triệu đồng, giá trị sản phẩm thu hoạch cây trồng hàng năm đạt 70 triệu đồng, các tiêu chí NTM được nâng cao… Tin rằng, mỗi người con trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng luôn chung sức, đồng lòng cùng với cấp ủy, chính quyền đưa quê hương phát triển bền vững, đổi mới”. 


Tin khác

Liên kết website