Thông tin tuyên truyền

Quang Bình tăng cường công tác phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ Đông - Xuân 2015 - 2016

31/12/2015 00:00 467 lượt xem

Hiện nay thời tiết đang chuyển mùa, khí hậu thay đổi là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Trước tình hình đó, UBND huyện Quang Bình đã chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường công tác phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trong vụ Đông - Xuân 2015-2016.

 Huyện Quang Bình là 1 trong các địa phương của tỉnh có số lượng lớn đàn gia súc, gia cầm. Trong những năm qua, huyện luôn quan tâm, chú trọng phát triển đàn gia súc, từ việc tạo nguồn thức ăn, phòng chống dịch bệnh đến việc phòng chống đói rét cho đàn vào mùa đông. Chính vì vậy, cơ bản những năm gần đây, tại Quang Bình đã không để xảy ra tình trạng trâu, bò chết do đói, rét vào mùa đông.

Theo thống kê tháng 11.2015, tổng đàn gia súc của huyện Quang Bình có trên 94.000 con, trong đó đàn trâu là trên 22.000 con, đạt 105% kế hoạch; đàn bò 118 con, đàn dê 11.970 con, đàn lợn trên 60.000 con. Với mục tiêu đưa phát triển chăn nuôi chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong sản xuất nông nghiệp đã và đang được cấp uỷ chính quyền từ huyện đến cơ sở đặc biệt quan tâm. Trong đó, coi trọng đầu tư vốn để nhân dân mua thêm con giống và chăn nuôi theo quy mô bán trang trại, coi trọng công tác tiêm phòng dịch bệnh trước lúc thời tiết giao mùa, mở rộng diện tích trồng cỏ và tích thức ăn thô, thức ăn tinh, giữ ấm chuồng trại, phòng chống rét khi mùa đông đến cho đàn gia súc.

Để chủ động phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong vụ Đông - Xuân 2015 - 2016 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra cho người chăn nuôi, UBND huyện Quang Bình đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn trong huyện tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật, kinh nghiệm trong phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi. Cập nhật diễn biến thời tiết của thời tiết thường xuyên, đặc biệt là các đợt rét đậm, rét hại sẽ xảy ra. Phân công các cán bộ phụ trách xuống thôn, bản, cụm dân cư để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phòng chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi. Cùng với đó, hướng dẫn người chăn nuôi sửa chữa, che chắn chuồng trại đảm bảo phòng, chống rét và vệ sinh chuồng trại, có kế hoạch dự trữ, bảo quản, chế biến nguồn thức ăn cho trâu bò với mức bình quân mỗi con trâu, bò một ngày đêm phải có từ 5 - 7 kg rơm rạ hoặc cỏ; vì vậy người chăn nuôi cần chăm sóc diện tích cỏ hiện có, trồng các loại cây thức ăn thô xanh như: Cây ngô, khoai lang…đồng thời khuyến cáo người dân không chăn thả hoặc bắt trâu bò cày kéo vào những ngày nhiệt độ hạ thấp, cần bổ sung thức ăn tinh, khoáng, vitamin và cho uống nước ấm để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi. chú trọng việc chăm sóc gia súc non và gia súc già yếu.

Đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Vỹ, thôn Yên Lập, xã Yên Thành là một trong những hộ gia đình chăn nuôi trâu nhiều năm nay chia sẻ: Ngay từ đầu mùa đông, gia đình chị đã chủ động che chắn lại chuồng trại, quét dọn vệ sinh khu vực trong và ngoài chuồng. Bên cạnh đó, gia đình chị còn trồng cỏ để có thể đảm bảo cho đàn trâu của gia đình có nguồn thức ăn trong mùa đông. Công tác tiêm phòng cho đàn trâu luôn được gia đình chị thực hiện đúng quy định nên trong mùa đông, đàn trâu của gia đình luôn có đủ thức ăn và khỏe mạnh. Song song với đó, gia đình chị cũng đầu tư thêm nguồn thức ăn tinh bột như sắn, bột ngô nấu cháo, pha nước muối cho trâu uống nhằm tăng sức đề kháng cho đàn trâu.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân về cách chăm sóc đàn gia súc trong mùa Đông, UBND huyện cũng đã kiện toàn tổ chức và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; tổ chức tiêm bổ sung các loại vacxin phòng bệnh cho đàn gia súc chưa được tiêm phòng theo quy định. Kiểm soát chặt chẽ động vật lưu thông trên địa bàn, đặc biệt là gia súc gia cầm nhập về làm giống cần phải khai báo kiểm dịch và nuôi cách ly theo quy định; tăng cường giám sát dịch bệnh nhằm phát hiện sớm, khoanh vùng quản lý kịp thời, tuyệt đối không để dịch lan rộng. Các xã, thị trấn cần tổ  chức đợt tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, khu vực chăn nuôi, bãi chăn thả, cơ sở giết mổ, chế biến và vị trí buôn bán gia súc, gia cầm tại các chợ… nhằm làm giảm lượng mầm bệnh ngoài môi trường, tiềm tàng nguy cơ dịch.

Với sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng và sự phối hợp của người dân trong việc phòng chống đói, rét cho đàn gia súc gia cầm, tin tưởng rằng trong vụ Đông - Xuân 2015 - 2016, đàn gia súc gia cầm toàn nói chung sẽ hạn chế mức thiệt hại thấp nhất có thể xảy ra, đưa ngành chăn nuôi của huyện Quang Bình ngày càng phát triển ổn định.


Tin khác

Liên kết website