Kinh tế

Phát triển kinh tế rừng bền vững ở Quang Bình

29/06/2021 04:12 394 lượt xem

Huyện Quang Bình là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, chiếm gần 76% diện tích đất tự nhiên. Phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, địa phương này đã và đang phát triển kinh tế rừng một cách bền vững, hiệu quả; tỷ lệ che phủ rừng tính đến cuối năm 2020 đạt 68,5%.

Phát triển kinh tế rừng bền vững ở Quang Bình
Người dân xã Bằng Lang tích cực trồng rừng kinh tế.

Tiềm năng phát triển kinh tế rừng

Quang Bình có tổng diện tích tự nhiên trên 79.100 ha. Trong đó, diện tích rừng và đất chưa có rừng quy hoạch cho lâm nghiệp 60.107 ha, chiếm 75,9%. Trồng rừng sản xuất đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân nên hàng năm huyện đã tập trung chỉ đạo ngành chuyên môn, các xã, thị trấn hoàn thành chỉ tiêu về trồng rừng và chăm sóc tốt diện tích rừng trồng gắn với khoanh nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, xúc tiến tái sinh tự nhiên đối với đất có cây gỗ tái sinh.

Năm 2021, Quang Bình đặt mục tiêu trồng 2.330 ha rừng, đến nay đã trồng được trên 1.300 ha. Cùng với việc đảm bảo diện tích, huyện cũng đã thực hiện tốt các chương trình trồng rừng kinh tế để giảm nghèo bền vững, chú trọng đưa giống tốt, chủ yếu sử dụng cây keo lai, cây quế vào trồng rừng sau khai thác. Đồng thời, mở rộng các vườn ươm cây giống lâm nghiệp, thường xuyên hướng dẫn quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng cho chủ rừng. Nhờ vậy, nhiều hộ đã biết làm giàu từ vốn rừng, các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân để trồng rừng.

Hạt Kiểm lâm Quang Bình kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính một cơ sở sản xuất ván bóc tại xã Tiên Yên. (Ảnh chụp tháng 4.2021).

Đi đôi với việc phát triển rừng, toàn huyện có 25 cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ, đa số là sản xuất ván bóc, phần lớn tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Năm 2021, tổng diện tích rừng trồng toàn huyện dự kiến khai thác 3.007 ha, bao gồm của cả hộ dân và Công ty Lâm nghiệp Cầu Ham; sản lượng gỗ ước đạt 13.884 m3, đem lại giá trị kinh tế lớn, đóng góp tỷ trọng đáng kể trong ngành nông, lâm nghiệp. Cũng nhờ việc khai thác, chế biến gỗ đã tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người của huyện hiện đạt trên 32 triệu đồng/người/năm, nằm trong số những huyện tốp đầu của tỉnh.

Tăng cường quản lý, bảo vệ rừng

Phát huy hiệu quả kinh tế rừng và phát triển rừng bền vững, những năm qua, huyện Quang Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lâm nghiệp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp chính quyền và các chủ rừng về công tác bảo vệ, phát triển, phòng cháy, chữa cháy rừng. Tuy nhiên, với diện tích rừng lớn, tình trạng khai thác, vận chuyển gỗ rừng tự nhiên vẫn còn xảy ra ở một số địa bàn trọng điểm, đặc biệt tại xã Xuân Giang, Bằng Lang. Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Kiểm lâm huyện đã tổ chức tuần tra rừng, kiểm tra đột xuất hoạt động của các cơ sở chế biến lâm sản, ván bóc. Qua đó, phát hiện 11 vụ vi phạm về các hành vi vi phạm lâm luật như phá rừng trái phép; mua bán, cất giữ, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; tịch thu 15,5 m3 gỗ các loại; khởi tố hình sự 1 vụ, xử phạt hành chính 7 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước 105 triệu đồng…

Đồng chí Tăng Trung In, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước thực trạng trên, UBND huyện tập trung chỉ đạo Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra thường xuyên các xưởng chế biến gỗ và xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm; tiến hành đợt tổng kiểm tra, tuần tra các khu rừng, kịp thời phát hiện những sai phạm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; triển khai ký cam kết giữa hộ dân, ban quản lý thôn không tiếp tay khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Cùng với đó, thực hiện các giải pháp bảo vệ toàn bộ diện tích đất rừng phòng hộ và rừng tự nhiên sản xuất, ngăn chặn, triệt phá các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật.

Cùng với các giải pháp trên, việc tăng cường ứng dụng thiết bị công nghệ thông tin như: Máy định vị GPS; điện thoại thông minh đã được cài đặt các phần mềm hỗ trợ chuyên dụng cho lâm nghiệp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là phương pháp hiện đại giúp cơ quan chức năng có thể nhanh chóng xác định vị trí, tọa độ xử lý cháy rừng, phá rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp, góp phần bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện có trên địa bàn.

baohagiang.vn

Tin khác

Liên kết website