Kinh tế

Kinh tế gia trại, trang trại ở Quang Bình

07/06/2018 00:00 109 lượt xem

Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thời gian qua, huyện Quang Bình tập trung lãnh, chỉ đạo nhân dân phát triển các mô hình trang trại, gia trại tập trung, đem lại thu nhập cao, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH địa phương.

Xác định phát triển sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm là một trong thế mạnh của địa phương, huyện Quang Bình đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Để các mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả, các đơn vị chuyên môn của huyện  thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất (bước đầu thực hiện thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò trên địa bàn huyện). Đồng thời, huyện tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để các trang trại, gia trại tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng sản xuất, chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có 653 hộ đăng ký vay vốn theo Nghị quyết số 209 và số 86 của HĐND tỉnh để phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm và làm chuồng trại; hiện đã giải ngân cho 333 hộ dân vay vốn trên 32 tỷ đồng.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã đầu tư phát triển trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân hàng năm từ 150 triệu đồng trở lên như: Mô hình chăn nuôi lợn, gia cầm của anh Nguyễn Văn Sơn ở thôn Mác Hạ, xã Tân Trịnh; mô hình VAC tổng hợp của ông Lê Thành Nam ở thôn Thượng Bằng, xã Bằng Lang; mô hình chăn nuôi lợn thịt của anh Nguyễn Bá Dũng ở thôn Yên Ngoan, xã Tiên Yên…. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT, toàn huyện hiện có 33 gia trại, trang trại tổng hợp; trong đó, phát triển chăn nuôi lợn quy mô từ 100 con trở lên có 3 hộ dân; chăn nuôi gia cầm quy mô từ 1.000 con trở lên có 5 hộ; chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 20 con trở lên có 6 hộ; chăn nuôi dê quy mô 20 con trở lên có 19 hộ.

Mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo, sinh sản gia đình chị Tăng Diệu Yến, thôn Thượng Minh, xã Vĩ Thượng là một điển hình về phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao, cho thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm. Được biết, gia đình chị Yến đã chăn nuôi trâu từ nhiều năm nay, tuy nhiên chỉ làm quy mô nhỏ. Cuối năm 2016, chị mạnh dạn đầu tư gần 100 triệu xây dựng khu chuồng trại khang trang và mua thêm con giống. Chị Yến cho biết: “Gia đình tôi đang nuôi 10 con trâu theo hình thức vỗ béo, sinh sản. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, gia đình tôi đã cải tạo gần 3.000 m2 đất vườn tạp chuyển đổi sang trồng cỏ voi và chuối. Đồng thời, thường xuyên tiêm phòng dịch bệnh, phun thuốc khử trùng đảm bảo vệ sinh môi trường để đàn trâu khỏe mạnh, phát triển tốt”.

Để kinh tế trang trại, gia trại phát triển, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về nguồn vốn, kỹ thuật, cấp ủy, chính quyền huyện Quang Bình xác định đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ dân mở rộng quy mô trang trại, gia trại theo hướng hàng hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh thực hiện thụ tinh nhân tạo trâu, bò; thu hút các công ty, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm ổn định cho bà con; quy hoạch vùng chăn nuôi, phát triển các trang trại, gia trại bảo đảm vệ sinh môi trường.


Tin khác

Liên kết website