Chuyên mục cải cách hành chính

Ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao chất lượng giải quyết công vụ

25/02/2020 00:00 534 lượt xem

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan Nhà nước những năm qua được tỉnh ta chú trọng quan tâm đầu tư, triển khai sâu rộng, tạo bước chuyển biến quan trọng cả về nhận thức và hành động, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng giải quyết công vụ và đóng góp đáng kể cho sự phát triển KT - XH, QP - AN.

Đồng chí Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Mặc dù tỉnh còn nghèo, đội ngũ cán bộ không đồng đều nhưng Hà Giang được đánh giá là có sự phát triển, ứng dụng CNTT ở mức độ cao so với các địa phương khác trong cả nước (đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố). Theo số liệu tổng hợp mới nhất của Ban Chỉ đạo CNTT tỉnh đến nay, hầu hết các huyện, thành phố, xã phường, thị trấn của tỉnh đã có cáp quang đến trung tâm; hệ thống thiết bị hội nghị truyền hình trực tuyến cơ quan Đảng, chính quyền của tỉnh kết nối với các cơ quan T.Ư và các huyện, thành phố, UBND 195/195 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh với quy mô 218 điểm cầu; số trạm thu phát sóng (BTS) đạt 1.514 trạm; tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động đạt 98% (khu vực trung tâm, tập trung đông dân cư đạt 100%). Tỷ lệ máy tính trên cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh đạt 93% (đối với cấp tỉnh, huyện phấn đấu đạt 95% vào năm 2020). Một số xã, phường, thị trấn được đầu tư triển khai mạng nội bộ LAN, phục vụ ứng dụng một cửa điện tử liên thông từ tỉnh, đến các xã. Đặc biệt, hiện tại tỉnh đã và đang tích cực triển khai thực hiện chương trình chữ ký số trong giải quyết công việc tại các sở, ngành. Điều này đã từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo chất lượng dịch vụ hành chính công, giảm nhẹ bộ máy và nâng cao năng lực, trách nhiệm, làm thay đổi lề lối tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần quan trọng trong công cuộc cải cách TTHC của tỉnh.

Từ việc đẩy mạnh phát triển, ứng dụng CNTT đã thúc đẩy CCHC, làm tăng hiệu quả giải quyết nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành được nhanh gọn, thuận tiện như: Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện tích hợp 3 sản phẩm ứng dụng gồm VNPT-iOffice, VnEdu, Portal tạo điều kiện thuận lợi xây dựng cơ sở dữ liệu giáo viên, học sinh các cấp trên Vnedu; đến nay đã có trên 80% số trường học áp dụng các hình thức hồ sơ, sổ sách điện tử, báo cáo trực tuyến. Sở Y tế triển khai phần mềm quản lý bệnh viện VNPT-HIS, đáp ứng các yêu cầu quản lý của các cơ sở y tế và phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước; các cơ sở khám, chữa bệnh có thể kết xuất, chuyển các báo cáo thanh quyết toán BHYT nhanh chóng, chính xác. Ngành Công an thực hiện phần mềm quản lý lưu trú, tạm trú trực tuyến đến các đơn vị nghiệp vụ và đến các cơ sở quản lý lưu trú khách sạn, nhà nghỉ; hiện đã có 126 cơ sở lưu trú được kết nối, sử dụng phần mềm lưu trú, tạm trú…

Bác sỹ Đỗ Thị Mỹ, Trưởng phòng Nghiệp vụ y của Sở Y tế cho rằng: “Thông qua ứng dụng CNTT, ngồi ngay tại sở qua Module mô hình bệnh tật cũng biết được những xã, huyện nào trong tỉnh có số người mắc những bệnh gì cao nhất, thường gặp nhất để khuyến cáo, giúp cho ngành, cấp quản lý phân tích tình hình dịch bệnh theo mùa, tháng, năm để có sự dự trù cơ số thuốc và các vật tư y tế sát nhu cầu sử dụng của từng loại bệnh, tránh sự lãng phí trong dự trù thuốc ở các địa phương”.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND Thành phố Hà Giang, phụ trách bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính “một cửa” thành phố Hà Giang cho biết: “Từ khi thành phố áp dụng CNTT để giải quyết các công việc trên 5 lĩnh vực (Tài nguyên - môi trường, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, đăng ký thế chấp, thuế) thông qua các phần mềm để quản lý theo dõi, mọi thông tin đều được công khai, qua đó tạo sự minh bạch, tránh gây phiền hà, tiết kiệm được thời gian cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch”. Cũng chính từ việc áp dụng CNTT đã hỗ trợ đắc lực cho giải quyết công việc, tính riêng trong năm 2019, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hành chính thành phố đã nhận 14.091 hồ sơ, trong đó đã giải quyết trả kết quả trước và đúng hạn 12.506 hồ số, số hồ sơ còn lại đang giải quyết và một số hồ sơ không đủ điều kiện phải trả lại (hồ sơ giải quyêt chủ yếu là hồ sơ liên quan đến lĩnh vực Tài nguyên - môi trường, quản lý đô thị). Tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết theo cơ chế “một cửa” tại các xã, phường trên địa bàn thành phố Hà Giang là 28.755 hồ sơ, đạt 100%.

Có thể nói việc ứng dụng, phát triển CNTT trên địa bàn tỉnh ta đã có những đột phá mới, qua đó đã tạo chuyển biến lớn trong công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, thay đổi phong cách, lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng nền hành chính công thực sự minh bạch, hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh nhà.


Tin khác

Liên kết website